Lán trại của nhóm 10 lao động ở khu Đồng Đế, phường Dương Nội (quận Hà Đông).
Đây là một trong số hàng chục lán tạm bợ của những người thợ xây dựng, phụ hồ ở một số công trường trên địa bàn Hà Nội.
Họ đến từ nhiều tỉnh như Điện Biên, Sơn La, Nam Định, Thanh Hóa, Thái Bình... Hai tuần qua, nhóm thợ tạm nghỉ việc khi thành phố giãn cách.
Những ngày này, nhiệt độ ngoài trời khoảng 37 độ C. Bên trong lán, nhóm lao động ngồi nghỉ trước những chiếc quạt chiếu thẳng vào người.
Chiếc máy phun sương nhỏ hoạt động hết công suất cả ngày lẫn đêm. Đây là thiết bị được chủ thầu xây dựng mua để "nhân công còn ngủ được" trong ngày hè oi bức.
Ông Vũ Văn Nghiệp (53 tuổi) ở Hải Hậu, Nam Định, nằm ngủ trên chiếc võng dựng trong lán, cũng là chỗ ăn ngủ suốt 2 tuần nay.
Được chủ giao quản lý nhân công, ông Nghiệp cho hay "trước khi thành phố giãn cách, hai người trong nhóm trong đó có một bác năm nay 60 tuổi đã mua lại chiếc xe đạp giá 400.000 đồng, rồi đạp 160 km về quê ở Hải Hậu, Nam Định". Những người còn lại đều "ngồi im một chỗ vì sợ bị phạt khi ra ngoài". Theo ông Nghiệp, tiền công của nhóm thợ khoảng 250.000 đồng mỗi ngày, hôm nào không đi làm thì không có thu nhập.
Nhóm thợ tranh thủ thời gian không phải ra công trường tự cắt tóc cho nhau. Họ dùng những chiếc kéo cùn thường ngày vẫn cắt thức ăn, vải, bạt...
Anh Lò Văn Thuận, quê Mường Ẳng (Điện Biên) cạo trọc đầu để "tiết kiệm xà phòng và nước".
Ngồi trong lán, anh Vàng A Tòng, 24 tuổi, ở Mù Cang Chải (Yên Bái) cho biết vừa xuống Hà Nội làm được 50 ngày thì trải qua 14 ngày giãn cách. "Lúa ở nhà đang chuẩn bị chín mà tôi không về được. Ở nhà chỉ có vợ và con một tuổi, tôi chưa biết làm cách nào để về nhà khi thành phố tiếp tục giãn cách thêm 15 ngày", anh Tòng chia sẻ.
Khoảng đất trống trước lán trại dùng làm nơi tắm giặt, vệ sinh của đội thợ xây dựng mỗi khi chiều về. Đây cũng là khoảng thời gian duy nhất trong ngày họ bước ra khỏi lán.
Nhóm lao động quây quần bên mâm cơm khi chiều về. Bữa cơm ngày giãn cách của họ được chủ thầu hỗ trợ từ 30.000 đến 40.000 đồng (một ngày mỗi người).
"Hàng ngày lao động nặng không sao, nay chỉ ăn rồi nằm, rồi lại ngồi, tôi lại thấy đau lưng và mỏi", một công nhân nói.
Tối đến, Giàng A Gia (21 tuổi) thường gọi điện về nhà nói chuyện cùng gia đình. Anh mới xuống thành phố làm mấy ngày, chưa kiếm được tiền công thì phải giãn cách. "Có xe ôtô gần bến Mỹ đình nhận chở về nhà nhưng giá 1,5 triệu đồng một người, cùng phí xét nghiệm PCR 800.000 đồng, nhiều tiền quá nên tôi ở lại lán cho đỡ tốn kém", nam công nhân quê Sơn La nói.
Các lán trại phải xin "câu" tạm điện từ hàng xóm để duy trì sinh hoạt trong đêm tối. Chính quyền địa phương đã hỗ trợ gạo và trứng cho mỗi lán, phát phiếu đi chợ cách ngày cho các nhóm lao động.
Hôm qua 6/8, sau hai tuần áp dụng Chỉ thị 16, TP Hà Nội quyết định tiếp tục giãn cách xã hội đến 6h ngày 23/8.
Theo Ngọc Thành - Báo VN Express